Thứ 3, Ngày 01/04/2025 -
Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Sở Nội vụ có một số ý kiến tham gia liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) như sau:
Thứ nhất, theo dự kiến tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật, Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của luật có liên quan. Như vậy, theo quy định trên, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo quy định luật khác. Quy định này, tiếp tục được kế thừa theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Tuy nhiên, trong thực tiễn, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân không được quy định trong luật mà được quy định trong văn bản dưới luật. Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với tính chất là cơ quan Thường trực của Hội đồng nhân dân, nên quy định theo hướng: Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thứ hai, theo dự kiến tại khoản 2 Điều 6 dự thảo Luật, Ủy ban nhân dân quận, phường, xã, thị trấn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp thành lập. Tuy nhiên, trình tự, quy trình thành lập Ủy ban nhân dân quận, phường, xã, thị trấn không được dự thảo Luật quy định và cũng chưa giao thẩm quyền quy định trình tự, thủ tục thành lập Ủy ban nhân dân quận, phường, xã, thị trấn cho cơ quan, người có thẩm quyền. Do đó, đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu bổ sung trình tự, thủ tục thành lập Ủy ban nhân dân quận, phường, xã, thị trấn hoặc quy định cơ quan, người có thẩm quyền quy định trình tự, thủ tục thành lập.
Thứ ba, dự kiến tại khoản 3 Điều 17 dự thảo Luật, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã không ban hành thể chế, chính sách trên địa bàn cấp huyện, cấp xã. Đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu giải thích thuật ngữ "thể chế" trong quy định trên bởi hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là "thể chế". Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ việc không ban hành "thể chế" có đồng nghĩa với việc không ban hành văn bản quy phạm pháp luật không. Trong trường hợp việc không ban hành "thể chế" của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã không ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì quy định trên mâu thuẫn với quy định trong nhiều điều luật có trong dự thảo (Điều 19; Điều 31; Điều 32...).
Thứ tư, tại khoản 3 Điều 17 dự thảo Luật, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã không ban hành "chính sách". Tuy nhiên, điểm b khoản 2 Điều 31 dự thảo Luật quy định Hội đồng nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền: "Quyết định các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị". Do đó đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu quy định lại các nội dung trên tại dự thảo Luật để đảm bảo thống nhất.
Thứ năm, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 dự thảo Luật, việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan phân cấp. Tuy nhiên, với quy định tại khoản 1 Điều 19 thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.... Như vậy, với quy định này có thể được hiểu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ sáu, tại khoản 2 Điều 38 của dự thảo Luật quy định: “Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách nhưng bảo đảm không quá hai mươi lăm phần trăm (25%) tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân” và khoản 2 Điều 39 quy định: “Hội đồng nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương quyết định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách nhưng bảo đảm không quá hai mươi phần trăm (20%) tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân”. Như vậy theo quy định trên số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách sẽ tăng, đồng nghĩa với việc biên chế sẽ tăng. Tuy nhiên, theo quan điểm của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân cần chú trọng nâng cao chất lượng của đại biểu Hội đồng nhân dân, giảm tỷ lệ cơ cấu thay vì tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; trong trường hợp tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu giảm số tỷ lệ phần trăm đại biểu hoạt động chuyên trách để phù hợp với tinh thần chung theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.
Tin tức liên quan
(25/02/2025)
(13/02/2025)
(24/01/2025)
(17/01/2025)
(18/12/2024)